Cảnh đẹp và địa điểm ăn uống tại Phan Thiết - Tour du lịch Phan Thiếthttps://tourphanthiet.net/uploads/tin-viet-travel-logo-1500-x-749_500_250.jpg
Dinh Thầy Thím - Điểm đến du lịch tâm linh Bình Thuận
Thị Dứa 1 năm trước
Thuộc địa phận xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận và được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1997. Dinh Thầy Thím là một địa chỉ du lịch tâm linh, tín ngưỡng nổi tiếng ở Bình Thuận, được đông đảo du khách biết và tìm đến hành hương chiêm bái, nhất là vào dịp lễ hội Dinh Thầy Thím tổ chức vào tháng 9 âm lịch hàng năm. Truyền thuyết về Thầy Thím ngày xưa tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, rất được dân làng mến mộ. Vì bị nhà vua xét án nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn. Tam Tân, một làng quê xa xôi trù phú là nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây, những truyền thuyết đức độ của vợ chồng đạo sĩ được người dân ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng là “Thầy - Thím”.
Ngày xưa, tại làng quê Thầy – Thím sinh sống nhiều năm liền chịu cảnh hạn hán mất mùa. Đời sống dân làng chịu nhiều lầm than cơ cực, Thầy đứng ra lập đàn cúng tế. Kỳ lạ thay, trời đang trong xanh bỗng mây đen kéo đến, sấm chuyển rền trời, mưa như trút nước, cây cỏ như được hồi sinh, dân làng có thể làm lại mùa màng. Từ đó, Thầy được người dân truyền nhau là đạo sĩ đã dùng phép thuật cứu cả dân làng. Một lần khác, trong ngày lễ đầu năm dân làng ước có một ngôi đình khang trang để thờ phụng Thành Hoàng. Đêm hôm ấy, mưa gió dữ dội. Sau khi trời yên gió lặng, ngay giữa làng xuất hiện một ngôi đình mới. Dân làng vui mừng khôn siếc. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, làng bên đã về triều báo Vua, tố cáo Thầy dùng phép thuật đánh cắp đình làng bên. Nhà vua xét Thầy lãnh án “Tam ban triều điển” (xử trảm, uống thuốc độc hoặc thắt cổ). Thầy chọn hình thức sau cùng, kỳ lạ thay khi tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng biến thành rồng nâng Thầy Thím bay bổng lên không trung. Khi bay qua quê nhà Quảng Nam, Thím làm rơi chiếc hài như một lời nhắn từ biệt, rồi theo lụa rồng bay về phương Nam.
Thầy - Thím dừng chân đến cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Khi đến làng Tam Tân Thầy Thím đến ở trọ nhà ông Hộ Hai, làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc. Nhưng lạ là lúc nào Thầy cũng mang quả bầu khô bên mình. Một hôm thầy vào rừng vội vả quên mang theo quả bầu khô, chủ nhà tò mò lấy mở ra xem bỗng lửa phụt ra cháy rụi cả căn nhà. Sau khi làm lại nhà mới cho ông Hộ Hai, Thầy - Thím chuyển vào ở hẳn trong rừng sâu Bàu Cái và nhận đóng ghe cho ngư dân. Từ đó quanh khu rừng cả ngày vang lên tiếng đẵn gỗ, đục đẽo làm ghe làm thuyền nhưng chưa ai từng thấy người làm của Thầy. Từ nơi cánh rừng, Thầy đóng ghe ra đến biển dài 3km, có mạch nước nhỏ đổ ra biển. Dân địa phương truyền tai nhau rằng đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển.
Hơn 130 năm qua, Lễ hội Dinh Thầy Thím được người dân tổ chức hằng năm nhằm ôn lại và tưởng nhớ công đức của vị đạo sĩ. Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa nhưng đến nay Lễ hội Dinh Thầy Thím vẫn được giữ gìn bảo tồn duy trì và phát huy đầy đủ cả về không gian lẫn thời gian và các bước thực hành nghi lễ. Ngoài các nghi thức truyền thống về phần lễ như: lễ nghinh Thần, rước lễ sắc phong, lễ nhập điện, thỉnh thực, giỗ Tiền Hiền, cúng binh gia, ... còn có các phần hội cới các trò chơi dân gian đậm nét xứ biển như khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới, kéo co, đánh cờ người, ...
Vào giữa năm nay ngày 14/7/2022 Lễ hội Dinh Thầy Thím được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, góp phần phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, nâng cao ý thức ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của cộng đồng, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.